Nguyên soái chống quân Yên Đường_Đại_Tông

Khuyên cha quyết chiến

Tháng 11 năm Ất Mùi (755), An Lộc Sơn khởi binh tạo phản ở căn cứ Phạm Dương[10], chính thức mở đầu loạn An Sử. Quân An do có sự chuẩn bị từ trước, nên đánh đâu thắng đó, chỉ chưa đầy một năm đã chiếm được nhiều căn cứ quân sự quan trọng của nhà Đường như Đông Đô Lạc Dương, Đồng Quan, Nghiệp Thành... và chuẩn bị đánh vào Trường An.

Ngày 14 tháng 7, ông nội Đường Huyền Tông bỏ khỏi Trường An, chạy về đất Thục lánh nạn[11]. Khi đến trạm dịch Mã Ngôi, các tướng sĩ nổi dậy, giết chết anh Dương Quý Phi là Tể tướng Dương Quốc Trung, rồi buộc Huyền Tông ban chết cho Quý phi. Lúc bấy giờ nội bộ quân Đường dao động, chia rẽ, nhiều người đào ngũ, Huyền Tông do đó không hi vọng có thể về Trường An nữa, nên quyết chí đến Thục. Bá tánh trong thành kêu khóc xin vua ở lại, Huyền Tông bèn cử thái tử đến ủy lạo họ. Lúc đó, dân chúng trong thành lại xin thái tử ở lại lãnh đạo. Lý Thục cùng em trai là Kiến Ninh vương Lý Đàm, hoạn quan Lý Phụ Quốc cũng có ý kiến rằng nếu thái tử cũng bỏ Trường An thì chẳng khác nào giao cả Trung Nguyên cho địch. Thái tử bèn sai Lý Thục đến báo việc này và xin ý kiến của Huyền Tông.

Được tin đó, Huyền Tông tỏ ý bằng lòng cho thái tử ở lại lãnh đạo kháng chiến, nhưng còn bản thân vẫn tiếp tục bỏ trốn về Ba Thục. Lý Thục theo cha tiếp tục giao chiến với quân An, sau đó chiếm lại được Linh Vũ. Ngày 13 tháng 8 năm 756, do sự thúc giục của quần thần, Thái tử đăng cơ xưng đế, tức là Đường Túc Tông[12]. Túc Tông được hai tướng Quách Tử NghiLý Quang Bật hỗ trợ, thế lực của nhà Đường dần được phục hồi.

Nhận chức Nguyên soái

Khi lực lượng đã phát triển trở lại, Đường Túc Tông có ý muốn chọn một người con trai thay mặt mình là Thiên hạ binh mã nguyên soái để chỉ huy lực lượng quân triều đình chống lại phản tặc. Thấy rằng người con trai thứ ba của mình là Kiến Ninh vương Lý Đàm (tức em trai Lý Thục) có tài năng, Túc Tông muốn phong cho chức này. Ẩn sĩ Lý Bí, vốn là bạn thân của Túc Tông, lên tiếng can ngăn vì thời thế loạn lạc lòng người chỉ hướng về Nguyên soái, trong khi ngôi Thái tử cần phải dành cho người con trưởng. Nhưng nếu Lý Đàm lập được đại công thì Túc Tông không muốn phong làm thái tử cũng không được; và sau đó khuyên vua nên phong chức Nguyên soái cho hoàng tử trưởng, tức Lý Thục. Túc Tông nghe theo đề xuất này, quyết định phong cho Lý Thục là Thiên hạ binh mã nguyên soái, nắm quyền chỉ huy cao nhất trong quân[11].

Đầu năm 757, một cuộc tranh chấp nổ ra trong nội bộ triều đình lưu vong khi Trương hoàng hậu liên kết với Nội giám Lý Phụ Quốc, kết bè đảng trong triều. Kiến Ninh vương Lý Đàm nhiều lần tấu với Túc Tông xin trừ đi. Trương Hoàng hậu tức giận, cùng Lý Phụ Quốc dâng sớ đàn hặc, vu cáo Lý Đàm muốn giết Lý Thục để tranh ngôi thái tử. Đầu năm 757, Túc Tông hạ lệnh ép Lý Đàm phải uống rượu độc tự sát[13]. Sau khi diệt được Lý Đàm, Trương hoàng hậu lại tiếp tục tìm cách đối phó với Lý Thục và Lý Bí. Lý Thục có ý lo sợ, định mời sát thủ ám sát Trương hoàng hậu và Lý Phụ Quốc, nhưng cuối cùng nghe theo lời khuyên can của Lý Bí nên không ra tay.

Lý Thục sau khi nhận chức đã ra sức chiêu mộ thêm binh sĩ từ những người dân lưu tán. Khi quân của Túc Tông tiến đến Bành Nguyên thì Lý Thục cũng chiêu mộ được khoảng gần vạn người. Sang giữa năm 757, khi chiến sự diễn ra ác liệt, các tướng Phùng Quản, Quách Tử Nghi nhiều lần ra trận thất lợi, quân An lại thừa cơ phản kích, tình thế của quân đội nhà Đường trở nên nguy khốn. Lý Thục bình tĩnh ứng phó, một mặt ông cho bổ sung những người khỏe mạnh vào quân đội; mặc khác ra sức đãi ngộ, lấy lòng tướng sĩ, do đó sĩ khí trong quân phấn chấn trở lại.

Giành lại hai kinh

Trong năm 757, Túc Tông muốn phong cho Lý Thục làm Hoàng Thái tử kế vị, nhưng Lý Thục cho rằng nội loạn vẫn chưa dẹp yên nên chưa dám đảm đương ngôi vị thái tử, xin Túc Tông hoãn lại ngày khác.

Mùa hạ năm đó, vua Hồi Hột là Bì Già Khuyết sai con là Vương tử Diệp Hộ đến trợ giúp nhà Đường chống quân An (lúc này An Lộc Sơn đã bị con là An Khánh Tự giết chết). Túc Tông giao hẹn với Hồi Hột rằng nếu ngày sau khôi phục Trường An thì tất cả của cải gắm vóc, Hồi Hột có thể tự ý chiếm lấy; còn Lý Thục lại xin vua cha cho mình cùng Diệp Hộ kết nghĩa anh em. Túc Tộng và Diệp Hộ đều bằng lòng.

Tháng 9 năm 757, Lý Thục dẫn theo quân đội nhà Đường tấn công vào thành Trường An. Quân An nhanh chóng thua trận, phải rút khỏi Trường An. Diệp Hộ cũng nhân dịp này, viện lời hứa của Túc Tông, muốn cướp bóc và giết chóc dân chúng trong thành. Lý Thục đích thân đến chỗ Diệp Hộ để ngăn chặn. Ông nói

Nay nếu cướp bóc ở Tây Kinh thì dân Đông Kinh (Lạc Dương) tất lo sợ mà kháng cự lại.

Và hẹn với Diệp Hộ sau khi chiếm được Đông Kinh sẽ cho quân Hồi Hột tha hồ cướp bóc. Sau đó ông lại hạ lệnh cho quân sĩ không được quấy nhiễu, cướp phá của cải trong dân. Hành động này của Lý Thục cũng đã giải cứu dân trong thành Trường An khỏi một cuộc tàn sát đẫm máu, do vậy phụ lão trong thành rất cảm phục ông[14].

Sau khi giành lại Trường An, tướng Bộc Cố Hoài Ân thỉnh cầu Lý Thục cấp tốc đưa binh truy kích quân An, nhưng Lý Thục viện lẽ quân đội còn mệt mỏi, nên hoãn lại. Đến tháng 10 năm đó, Lý Thục mới cùng Diệp Hộ thẳng tiến đến Lạc Dương. Chỉ trong vòng vài tuần, quân đội nhà Đường đã tiêu diệt hơn một nửa binh lực của An Khánh Tự. Ngày 18 tháng 10, liên quân Đường - Hồi Hột vào đến thành Lạc Dương, hoàn thành công cuộc khôi phục hai kinh. Lúc đó, Diệp Hộ lại cho quân sĩ cướp bóc trong toàn Đông Đô, Lý Thục hay tin bèn đem một số lụa tốt đến hối lộ cho binh sĩ Hồi Hột để giảm bớt sự hung hăng cướp bóc của chúng. Lúc đầu, Lý Thục hạ lệnh sẽ tha cho những cựu thần cũ đã hàng Yên, nhưng sau đó đổi ý, cho bắt hết bọn họ, giải về Lạc Dương. Về sau, Túc Tông cho xử phạt những cựu thần này theo thứ bậc nặng nhẹ.